SaPa – “Bỗng dưng muốn khóc” New 2020

Trên Facebook cá nhân, nhà báo Hồng Diên đã chia sẻ cảm xúc “đến Sapa mà rưng rưng muốn khóc” với bức ảnh bâng khuâng giữa phố núi Sapa.

Sapa như một đại công trường ngổn ngang vô tổ chức.

Năm 1998, chị Hồng Diên vừa tốt nghiệp ra trường về đầu quân cho tờ Báo Xây dựng thực hiện những ấn phẩm đầu tiên ra mắt độc giả.

Mùa hè năm ấy, tập thể báo Xây dựng đã có chuyến du lịch Sapa thật đáng nhớ. Ngày đó giao thông còn khó khăn, đoàn đã mất 1 đêm đi tàu hỏa mới có mặt kịp đón bình minh Sapa.

Trong ký ức cô phóng viên trẻ, Sapa của 20 năm trước lãng mạn đúng như những tác phẩm văn học miêu tả. Những biệt thự theo lối kiến trúc Pháp nằm ẩn hiện trong mây giăng sương phủ, những con đường nhỏ quanh co uốn lượn sườn núi, phiên chợ vùng cao dặt dìu tiếng khèn của chàng trai Mông da diết gọi bạn tình…, những đôi trai gái từ các bản làng xa xôi hẹn hò nhau xuống chợ, gùi thổ cẩm, gùi măng vẫn trĩu trên lưng. Họ nép mình bên nhau trú mưa bên hiên nhà thờ cổ, ánh mắt nồng nàn men say mặc kệ du khách miền xuôi lên nhìn họ chăm chăm tò mò và thú vị. Về khuya, dưới ánh đèn vàng mờ tỏ, không ít đồng bào dân tộc các bản làng xa xôi không kịp về trải áo mưa dưới hiên những cửa hàng lưu niệm đã đóng cửa, thiếp đi trong giấc ngủ tạm bợ, vô ưu.

Cảnh và người Sapa cứ lặng lẽ mà an yên, hồn nhiên mà đơn giản tạo nên sức hút văn hóa dân tộc rất đặc biệt.

Năm 2015, trở lại Sapa một đêm mùa Giáng sinh lạnh buốt, vẫn cảm nhận một Sapa bình lặng, đường phố thưa vắng. Những khách sạn cao cấp ở vị trí vàng trước quảng trường như BB Hotel Sapa đèn hoa lung linh sang trọng mà lộng lẫy nhưng không nhấn chìm kiến trúc của nhà thờ. Người Pháp quy hoạch đô thị Sapa lấy vị trí xây dựng nhà thờ làm trung tâm, mọi con đường đều đổ dồn về đây để rồi các đôi trai gái, du khách lấy đó làm điểm hẹn.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là bên cạnh những công trình quy mô và bài bản đó, Sapa phát triển rầm rộ hệ thống các nhà hàng, quán Karaoke, cafe, mát-xa… đua mọc như nấm sau mưa. Chính những công trình án ngự mặt tiền hầu khắp các con phố trung tâm khiến bộ mặt đô thị phơi ra sự xô bồ, nhếch nhác.

Đoàn cán bộ phóng viên của Báo Xây dựng chúng tôi trở lại Sapa vào những ngày cuối tháng 8/2019, khi mùa du lịch của khách ta đã vào cuối vụ nhưng dịp lễ 2/9 đang đến rất gần.

Cả thị trấn Sapa như một đại công trường ngổn ngang vô tổ chức.

Người ta hối hả sửa sang cửa hàng, khách sạn, VLXD tràn lối đi ngay cả khi con phố chả có nổi mét vỉa hè cho người đi bộ.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sapa đến năm 2030, Sapa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu du khách. Tuy nhiên, dù có thêm những khu nghỉ dưỡng nghìn tỷ thì mục tiêu “trở thành nơi nghỉ dưỡng văn hóa tầm cỡ” có vẻ như đang gặp sự trở ngại lớn.

Nhìn tổng thể từ trên cao xuống bức tranh đô thị Sapa nham nhở những quả đồi bị san phẳng để xây dựng các khu resort , những sườn đồi bị xẻ nát cõng trên nó những tòa khách sạn hoành tráng; Những khu phố nhà chen nhà mái tôn xanh đỏ không khác gì các thành phố lớn. Lợi thế view nhìn ra thửa ruộng bậc thang, sườn núi, thung lũng… bị che khuất hết tầm nhìn.

Nhìn cận cảnh, đô thị Sapa giờ không biết gọi là bản sắc gì. Đâu rồi những bóng áo chàm, những váy xòe hoa, những thổ cẩm rực rỡ.

Trong các bản làng du lịch, đồng bào mặc như người Kinh chèo kéo du khách mua kẹo mua quà cho trẻ con trong bản, còn du khách Kinh từ Nam chí Bắc và cả khách nước ngoài lại xúng xính thuê áo váy lai căng các dân tộc làm trang phục dạo bản check-in sống ảo.

Trẻ em luôn bám sát khách du lịch để chèo kéo mua đồ lưu niệm.

Không biết từ bao giờ đám trẻ bản Cát Cát lớn lên mặc định được quyền ngửa tay xin “cô ơi cho cháu 10 ngàn mua bút” trong khi những chiếc kẹo mà du khách thiện tâm nào đó mua phát cho chúng được chúng đem ra rải xuống đất chơi ô ăn quan thay đá sỏi. Còn ở ngoài trung tâm, những đứa trẻ người địa phương “bu” lấy những vị khách du lịch trong ngoài nước chèo kéo mua đồ lưu niệm rặt các sản phẩm rẻ tiền từ Trung Quốc nhập về.

Trong bài toán quản lý đô thị của Đảng bộ chính quyền Sapa dường như bị động, lúng túng khi đối diện với sự thiếu đồng bộ về hạ tầng.

Đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở mức báo động trong mùa du lịch 2019 vừa qua. Do nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thị trấn Sapa tăng nhanh, từ 4.000 – 4.500m3/ngđ; vào những ngày cuối tuần là trên 6.000m3/ngđ, khiến 3/4 nguồn nước cung cấp cho Nhà máy xử lý nước Sapa đã cạn kiệt, còn duy nhất nguồn Suối Hồ 2 cung cấp nước thô cho nhà máy.

Một người dân ở Sapa bức xúc chia sẻ: Tốc độ đô thị hóa chóng mặt thiếu đồng bộ khiến công trình tăng nhanh mà hạ tầng giảm sút. Người dân ở đây đã mòn mỏi chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền, để quy hoạch lại toàn bộ hệ thống đường sá xuống cấp suốt mấy năm nay.

Chỉ riêng hệ thống thoát nước dọc, nước ngang được lắp đặt, thiết kế lâu đời bị xuống cấp dẫn ứ đọng nước ảnh hưởng xấu đến chất lượng mặt đường đã khiến sinh hoạt người dân đảo lộn, nói gì tới tác động của các phương tiện cơ giới khác.

Dường như nhiệm vụ quản lý khu du lịch quốc gia lớn thứ 2 của cả nước trở nên quá sức với trình độ và tầm vóc của nhà quản lý nơi đây.

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, để đón trước cơ hội phát triển du lịch, điều đầu tiên mà chính quyền Sapa cần làm là quyết liệt vào cuộc cải thiện chỉnh trang bộ mặt đô thị. Trước hết cần quy hoạch lại toàn bộ hạ tầng giao thông Sapa, đưa ra giải pháp căn cơ cải tạo các tuyến đường trong thị trấn và đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tránh thị trấn để giảm áp lực phương tiện và kết nối liên thông trong khu vực.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, thì việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội chính là một giải pháp hữu hiệu.


Qua bài viết SaPa – “Bỗng dưng muốn khóc”, hy vọng diaocxanh24h.vn có thể giúp bạn có thêm thông tin.

[related_posts_by_tax posts_per_page="4" title="Bài viết cùng chủ đề"]