TPHCM: Yêu cầu chỉnh thiết kế công trình Thương xá Tax New 2020

Chính quyền TPHCM đã yêu cầu Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để điều chỉnh phương án thiết kế công trình Thương xá Tax theo hướng nghiên cứu bố trí phòng hội nghị có sức chứa trên 1.000 người, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng các sự kiện lớn.

tax 1472506442

Tại vị trí Thương xá Tax hiện hữu sẽ mọc lên một cao ốc 40 tầng. Ảnh wikipedia

Theo một lãnh đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, yêu cầu nói trên được đưa ra sau cuộc họp mới đây về quy hoạch tổng mặt bằng, phương án thiết kế kiến trúc công trình và bảo tồn một số hạng mục của Thương xá Tax tại địa điểm số 35-59 Lê Lợi, 122A-124B-124 Pasteur và 135 Nguyễn Huệ (Thương xá Tax cũ), phường Bến Nghé, quận 1.

Ngoài việc muốn có một phòng hội nghị lớn trong công trình Thương xá Tax, UBND TPHCM còn yêu cầu các đơn vị liên quan phải điều chỉnh con đường nội bộ (12 mét) cắt ngang công trình này. Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị phải phối hợp với Satra và các đơn vị tư vấn thiết kế có liên quan thực hiện rà soát kỹ lại phương án đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống thông gió của tòa nhà với dự án Khu thương mại ngầm Bến Thành (dưới đường Lê Lợi) đồng bộ với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Trước đó, Satra được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình Thương xá Tax (với quy mô lớn hơn ngay tại vị trí Thương xá Tax cũ). Và, tháng 12-2015, Satra có văn bản gửi các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố báo cáo kế hoạch bảo tồn Thương xá Tax (gồm cả bên ngoài lẫn bên trong tòa nhà) khi đầu tư xây dựng mới công trình này.

Theo đề xuất của Satra, công trình Thương xá Tax mới sẽ có khối bệ cao sáu tầng. Ba tầng bên dưới – tương đương với số tầng của tòa nhà năm 1924 – được thiết kế mô phỏng các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc ban đầu (gốc); trên nóc tầng 3 ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ có một mái vòm với hoa văn gợi lại hình ảnh của tòa nhà Grands Magasins Charner (GMC) – là tòa nhà ban đầu của thương xá. Ba tầng phía trên của khối bệ thiết kế với phong cách mới nhưng vẫn hài hòa với các tầng thấp, đồng thời là yếu tố chuyển tiếp lên khối tháp cao 40 tầng có kiến trúc hiện đại.

Tổng thể tòa nhà, tuy là một công trình hoàn toàn hiện đại, đáp ứng tất cả các yêu cầu về thẩm mỹ và công năng của đô thị mới song vẫn hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như tòa nhà UBND TPHCM, khách sạn Rex, Nhà hát Thành phố, và vẫn lưu giữ được phần nào hình ảnh ban đầu của tòa nhà GMC.

Bên trong công trình, các hạng mục như cầu thang chính khảm gạch mosaic với tay vịn, lan can, biểu tượng con gà trống, quả cầu bằng đồng, không gian thông tầng sảnh chính và các thảm gạch mosaic ở hai lối vào… sẽ được bảo tồn, phục dựng các chi tiết trang trí thời kỳ đầu.

Và, để triển khai dự án, Satra đã tổ chức tuyển chọn các tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm để thực hiện, trong đó, thiết kế chính là Công ty TNHH Gensler và các cộng sự quốc tế (Mỹ).

Đây là công ty thiết kế có 50 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và 25 năm hoạt động tại châu Á với gần 5.000 chuyên gia và 46 văn phòng ở 112 quốc gia. Thiết kế địa phương là Công ty TNHH Kiến trúc B+H Việt Nam, có trụ sở chính ở Canada với hơn 60 năm kinh nghiệm.

Ngoài ra, còn có các nhà tư vấn phụ quốc tế khác như Thornton Tomasetti – Mỹ (xây dựng và kết cấu), WSP – Anh (cơ điện, nước và phòng cháy chữa cháy), Edgett Williams Consulting Group – Mỹ (giao thông đứng)…

Thương xá Tax được khởi công xây dựng vào năm 1922 và khánh thành vào ngày 26-11-1924 mang tên Grands Magasins Charner (GMC) với công năng là trung tâm thương mại, thuộc sở hữu của công ty Société Coloniale des Grands Magasins – SCGM được thành lập vào năm 1921 từ công ty mẹ L’Union Commerciale Indochinoise et Africaine (LUCIA). Tòa nhà do nhiều công ty tham gia xây dựng.

Ban đầu tòa nhà chỉ có ba tầng với hai lối vào ở đường Nguyễn Huệ và góc Nguyễn Huệ – Lê Lợi ngày nay, nền nhà ngay các lối vào có trang trí hoa văn bằng gạch mosaic, đối diện lối ra vào đường Nguyễn Huệ là cầu thang chính và nóc nhà phía trên lối ra vào ở góc đường có một mái vòm đồng hồ.

Sau năm 1934, biểu hiện GMC được gắn thêm ở khu vực tháp vòm đồng hồ. Năm 1942 tòa nhà được cải tạo, xây dựng thêm tầng 4, mái vòm bị dỡ. Đầu những năm 1960, GMC được đổi thành Thương xá Tax.

Sau năm 1975 toàn bộ tòa nhà thuộc sự quản lý của UBND TPHCM. Từ năm 1978 là cửa hàng phục vụ thiếu nhi của thành phố. Năm 1981 đổi tên thành Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp thành phố thuộc sự quản lý của Sở Thương nghiệp. Năm 1997 là Công ty bán lẻ Sài Gòn thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và từ năm 1998 đổi lại là Thương xá Tax.


Qua bài viết TPHCM: Yêu cầu chỉnh thiết kế công trình Thương xá Tax, hy vọng diaocxanh24h.vn có thể giúp bạn có thêm thông tin.

Mời bạn đánh giá