Dự án Khu dân cư Tràng An – Bạc Liêu có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’? New 2020

Khi thu hồi 68 ha đất cho dự án này, UBND tỉnh Bạc Liêu từng nêu ra mục đích “đáp ứng nhu cầu cho nhiều ngàn người dân có đất ở, nhà ở”; “khai thác có hiệu quả đất”; “đưa Bạc Liêu trở thành đô thị xanh, sạch”. Thế nhưng 10 năm qua, Dự án Khu dân cư Tràng An (phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã trở thành “điểm nóng” khiếu kiện, khiếu nại đất đai; dấu hiệu vi phạm một số quy định về đất đai, đầu tư, xây dựng đô thị; có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.

1 1568621748

Ông Lý tố cáo căn nhà mình đã bị Tràng An cho người phá tanh bành.

Bất thường từ khâu xác định chủ đầu tư

Ngày 3/7/2007, UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định 412/QĐ-UBND bổ sung chức năng cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng (BTGPMBCDAĐTXD). Chưa đầy một tháng sau, ngày 2/8/2007, tỉnh có công văn chấp thuận chủ trương giao Ban này làm chủ đầu tư dự án Tràng An. Giữa tháng 3/2009 có Hợp đồng liên doanh đầu tư thực hiện dự án giữa Công ty TNHH Tư vấn & Đầu tư Tràng An và Ban BTGPMBCDAĐTXD.

Dự án được thay đổi tên gọi nhiều lần. Năm 2007 có tên “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu II – Khu Bến xe – Bộ đội Biên phòng”. Tháng 3/2009 gọi là “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bến xe – Bộ đội Biên phòng”. Hai tháng sau, theo Quyết định 1208/QĐ-UBND của UBND tỉnh, có tên “Khu dân cư giáp khu Bến xe – Bộ đội Biên phòng đến đường tránh Quốc lộ 1A, khóm 1, phường 7, thị xã Bạc Liêu”. Dự án thu hồi hơn 64 ha (sau này điều chỉnh thành hơn 68 ha) để xây khu dân cư.

Những người dân mất đất cho rằng việc giao Ban BTGPMBCDAĐTXD làm “chủ đầu tư” dự án, không khác gì cho quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Vừa được giao đất để “đầu tư”, vừa được giao quyền tính toán bồi thường bao nhiêu cho diện tích đất đó, có thể xảy ra chuyện làm sai pháp luật, “bóp” tối đa mọi khoản bồi thường, tính toán thiếu công minh.

Sau khi cơ bản hoàn tất công tác tính toán chi trả bồi thường, lấy đất, vai trò “chủ đầu tư” của Ban BTGPMBCDAĐTXD cũng đột ngột chấm dứt. Người dân bị lấy đất cho biết không nhận được thông báo nào về việc này. Trong một số quyết định của tỉnh Bạc Liêu về dự án này kể từ thời điểm 2012, chỉ nhắc đến tên Công ty Tràng An. Trong Công văn số 15/CV-TA ngày 27/4/2015 Tràng An gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến một vài vấn đề, Tràng An cũng giới thiệu rất rõ ràng dự án này “là dự án xây dựng nhà ở thương mại do Tràng An làm chủ đầu tư”.

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, như Tràng An đã nêu trong văn bản gửi Bộ Xây dựng đây là “dự án xây dựng nhà ở thương mại”, nên thời điểm 2009, dự án này phải tuân thủ Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 hướng dẫn thi hành.

So sánh với các quy định này, Ban BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu không thể đáp ứng các tiêu chí để làm chủ đầu tư dự án trên. Được biết hiện Ban BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu đã giải thể. Theo thông tin trên trang masocongty.vn, “mã số thuế 1900284839 (mã số thuế của đơn vị này – NV) đã tạm ngừng hoạt động”.

Theo Luật sư Nghĩa: “Xâu chuỗi lại quá trình từ khi được giao làm “chủ đầu tư” dự án Tràng An, âm thầm rút ra, đến giải thể, có thể nghi vấn “Ban BTGPMBCDAĐTXD tỉnh Bạc Liêu” là một “tấm bình phong”; giao đơn vị này làm chủ đầu tư một dự án sai thẩm quyền, sai quy định, rồi giải thể “nhường sân” cho “đồng chủ đầu tư”, trốn trách nhiệm. Đưa cái tên “Ban BTGPMBCDAĐTXD” vào, còn có thể để đánh vào sự thiếu hiểu biết của nông dân và tâm lý tôn trọng cơ quan Nhà nước để dễ lấy đất, “bóp” tối đa chi phí đền bù”.

2 1568621790

Mười năm qua, dự án Khu dân cư Tràng An vẫn chưa thực hiện xong

Phớt lờ cam kết, bất minh trong bồi thường

Dự án qua gần 10 năm vẫn chưa thu hồi đất xong, vướng nhiều khiếu kiện vì một số người dân cho rằng UBND tỉnh Bạc Liêu, TP Bạc Liêu, chủ đầu tư “bỏ quên” lời hứa, phớt lờ những cam kết ban đầu.

Trong Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 25/6/2009 của UBND tỉnh, cam kết bố trí 579 nền tái định cư, trong đó “giao đất ở theo tỷ lệ quy đổi 8% cho các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi”. Nói cách khác, cứ 1000m2 đất ruộng bị thu hồi, tỉnh sẽ trả lại 80m2 đất ở cho hộ đó.

Thế nhưng thực tế lại khác, như gia đình ông Thạch Hớn (SN 1950, người dân tộc Khmer, ngụ khóm 1) có 9 người con đã lớn, bị thu hồi 12.000m2, nhưng chỉ được mua… hai nền tái định cư. “Tui yêu cầu, khiếu nại 10 năm nay họ vẫn không giải quyết”, ông Hớn kể. Cùng cảnh ngộ trên là gia đình bà Nguyễn Thị Lại, bị thu hồi, giải toả trắng hơn 5.000 m2. “Họ vận động “cứ nhận tiền rồi khiếu nại sau”. Nay tôi đi hỏi số đất 8% quy đổi thì họ trả lời “không có”, gia đình bà Lại trình bày.

Còn có việc cán bộ tùy tiện áp giá, xác định vị trí đất, mập mờ bất nhất trong tính toán bồi thường. Ví dụ nhà ông Mai Văn Lý (SN 1961, ngụ khóm 1, phường 7) bị thu hồi nhiều ngàn m2, trong đó có hai căn nhà nhưng không được công nhận một m2 đất thổ cư nào.

Khâu bồi thường có những tính toán thiếu công bằng, bất minh. Đất ruộng hai hộ giáp ranh nhau, sát bên, nhưng giá bồi thường một bên 170.000 đồng/m2, bên kia 810.000 đồng/m2, gấp đến gần năm lần.

Một bất hợp lý khác trong dự án là bồi thường giá thấp, nhưng bán lại đất tái định cư cho dân giá “trên trời”. Nhiều hộ dân rơi vào hoàn cảnh nhận hết tiền đền bù, cũng không mua nổi lại một nền tái định cư, chứ chưa nói đến chuyện cất nhà.

3 1568621821

Một hộ dân phản đối dự án, chưa đồng ý giao đất

Chủ đầu tư “tự cưỡng chế”?

Trong dự án này, Công ty Tràng An cũng bị dân nhiều lần khiếu kiện. Theo một lá đơn 39 hộ dân hẻm 7, khóm 1, phường 7, gửi các cơ quan chức năng, phản ánh sự việc như sau: “Công ty Tràng An… có hành vi lừa dân để trục lợi nhưng chưa thành. Người dân chưa chịu giao mặt bằng. Công ty… đã dùng bơm, bơm nước mặn và cát chặn đường thoát nước, đồng thời hăm dọa “sẽ cho dân ngập nước luôn”. Hiện nước mặn cùng nước mưa làm ngập toàn bộ đường đi, sân, vườn, thậm chí cả nền nhà người dân trong khu vực, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt nhiều ngày nay…”. Theo đó Tràng An đã dùng máy, bơm cát từ bờ biển về khu vực, lấp các đường thoát nước. Nước mặn theo cát chảy về gây ngập úng, làm chết cây trồng, vật nuôi các hộ.

Tràng An còn bị tố cáo cho người hủy hoại nhà cửa người chưa bàn giao đất. Tố cáo này của ông Mai Văn Lý. Ông Lý bị giải toả trắng, đền bù giá rẻ, nhưng không được mua nền tái định cư, không được quy đổi 8% như tỉnh hứa. Ông Lý kể: “Thấy mình bị lừa, tôi không chịu giao phần đất có vườn cây và hai căn nhà cấp 4. Sau đó tôi tự tháo dỡ một căn nhỏ. Căn còn lại diện tích 100 m2, tôi chưa chịu giao”.

4 1568621844

Dự án ở khu “đất vàng” nhiều năm vướng khiếu kiện, khiếu nại

Theo ông Lý, vào đầu tháng 5/2019, một nhóm khoảng 4 – 5 người, trong đó có một bảo vệ của Tràng An mang xe cuốc vào phá vườn nhà ông. Ông nhớ lại: “Họ phá nguyên dàn cây cối, tính ra khoảng 300 cây chuối, bơ… Tôi lao ra cản thì nhóm này cầm roi điện chích. Tôi một mình, không chống nổi, phải bỏ chạy. Gọi điện cho Phó Chủ tịch UBND phường 7 trình báo thì anh này nói: “Cái này ngoài tầm với của con rồi, chú thông cảm”.

Ngày hôm sau, khi ông Lý đi vắng, bất ngờ nhận được điện thoại báo tin có một nhóm người cùng xe cuốc vào phá nhà ông. “Tôi lao về đã thấy họ phá sạch, tan nát. Máy cuốc đập nát nhà, rồi ủi xuống đìa”. Ông Lý làm đơn khắp nơi, tố cáo Tràng An cho người vác roi điện chích dân, hủy hoại cây trái, phá nhà dân, nhưng đơn thư, tin báo tố giác tội phạm đến nay đều chưa nhận được phản hồi.

Còn có những chuyện vô lý trong dự án này như chưa nhận tiền đền bù nhưng lại bị địa phương “nộp lại tiền”, Công ty Tràng An chưa thu hồi đất đã bán đất “trên giấy” cho doanh nghiệp khác…


Qua bài viết Dự án Khu dân cư Tràng An – Bạc Liêu có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’?, hy vọng diaocxanh24h.vn có thể giúp bạn có thêm thông tin.

Mời bạn đánh giá