Vi phạm xây dựng tràn lan do đâu?

Nếu trước đây công trình xây dựng sai phép sẽ được nộp phạt để tồn tại thì từ 15/1, khi Nghị định 139 có hiệu lực, những công trình này sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ phần diện tích vi phạm.

Tuy nhiên, luật cũng có điểm “nới” lỏng khi cho người dân thời gian 60 ngày để điều chỉnh giấy phép xây dựng. Sau thời hạn này, nếu chủ nhà vẫn không bổ sung được giấy phép xây dựng thì công trình sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ.

Đập bỏ công trình vi phạm

Chánh thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM, ông Lý Thanh Long, cho biết Nghị định 139 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở…có hiệu lực từ ngày 15/1 sẽ thay thế cho 2 nghị định cũ là 180/2007 và 121/2013. Theo quy định tại Nghị định mới này, trường hợp xây dựng sai giấy phép xây dựng cải tạo, sửa chữa; xây dựng sai giấy phép xây dựng mới sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, nếu công trình đã thi công xong thì chủ nhà sẽ bị buộc tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Trường hợp công trình đang thi công cũng sẽ bị buộc phải tháo dỡ nếu vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, di tích lịch sử; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức cá nhân khác…

Trường hợp công trình sai phép nhưng không vi phạm các yếu tố nói trên thì chủ đầu tư sẽ có thêm 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính để làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng. Khi hết thời hạn này, nếu không hoàn tất thủ tục điều chỉnh thì chủ đầu tư sẽ phải tháo dỡ phần công trình vi phạm. Nếu công trình được điều chỉnh nhưng có phần diện tích không phù hợp giấy phép điều chỉnh thì cũng phải tháo dỡ phần không phù hợp này.

Về việc Nghị định mới gia hạn cho người dân 60 ngày để “chạy” giấy phép xây dựng, ông Long cho biết, đây là quy định kế thừa quy định của Nghị định 180 và là thời hạn hợp lý để chủ nhà xin cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Cũng theo ông Long, với những công trình bị xử phạt trước đây, nếu các quyết định xử phạt chưa được thực hiện xong thì sẽ căn cứ vào từng loại công trình để xem xét xử lý cho tồn tại hay không theo quy định tại điều 79, Nghị định 139.

giấy phép xây dựng
Theo quy định tại Nghị định 139, người dân sẽ có thêm 60 ngày để
điều chỉnh giấy phép xây dựng. Ảnh: Đình Dân

Can thiệp quá sâu vào quyền của người dân?

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trước nay, các công trình vi phạm xây dựng được luật cho phép đóng tiền phạt để tồn tại khiến tình trạng xây dựng sai phép, không phép tràn lan. Đây cũng là tiền đề khiến người dân không coi trọng pháp luật, bởi chỉ cần nộp phạt là được hợp thức hóa sai phạm. Bên cạnh đó, tình trạng này nở rộ còn do nhà nước quản lý lỏng lẻo, những cá nhân xây dựng sai phép chưa được xử lý nghiêm. Vì thế, ông Sơn đề xuất đưa lực lượng thanh tra xây dựng vào kỷ cương, cách chức, cho nghỉ việc người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra xây dựng sai phép. Thực hiện được điều này sẽ giải quyết tình trạng vi phạm tràn lan trong lĩnh vực xây dựng.

Ở một góc nhìn khác, PGS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cho rằng Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào quyền của người dân khi cấp phép xây dựng. Hiện các nước trên thế giới không còn làm như vậy. Để cất được một ngôi nhà, những người dân bình thường phải dành dụm cả đời. Khi xây xong, người dân có thể thấy căn nhà không đẹp hoặc nhìn thấy một căn nhà nào đó đẹp hơn, muốn sửa thì nên cho người dân sửa, chứ không thể “ép” họ phải ở suốt đời trong căn nhà họ không hài lòng. “Cơ chế bao cấp hiện nay còn hiện hữu, nhà nước quyết định hết thay cho người dân, trong khi người dân có quyền định đoạt căn nhà của họ. Vấn đề là nhà nước tạo ra cơ chế để người dân có quyền định đoạt và không có nhũng nhiễu trong đó”, ông Hiệp nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia xây dựng cũng cho biết, hầu hết các nước hiện đều không đặt ra vấn đề cấp phép xây dựng. Theo đó, chính quyền địa phương chỉ quản lý chung, các thủ tục cũng được đơn giản để người dân tự quyết chứ không cần “trình, bẩm” cơ quan chức năng. Trong khi đó, tại Việt Nam thì tiêu cực tràn lan. Mấu chốt vấn đề chính là do luật đã can thiệp quá sâu vào chuyện cất nhà của người dân, thậm chí can thiệp đến từng chi tiết, như cái móng phải làm sao, cái cột phải như thế nào… “Việc nhà nước quy định quá chặt trong một bản vẽ xin phép, quá nhiều chi tiết mà một nét vẽ xong không được sửa, can thiệp sâu vào như vậy hỏi sao bộ máy không “phình” ra, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, làm khó người dân?”, vị chuyên gia này phân tích.

Không nên lo lắng việc người dân “chạy” giấy phép xây dựng

“Chúng ta cứ sợ cho thời hạn 60 ngày để người dân chạy chọt, phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng bởi với tiêu cực chúng ta sẽ trị bằng pháp luật, bằng đồng lương để người dân, cán bộ nhà nước không dám làm bậy, không dám tham nhũng. Chúng ta lâu nay để tham nhũng tràn lan, để rồi giờ làm cái gì cũng sợ tiêu cực”.

PGS Nguyễn Văn Hiệp

(Theo Thanh niên online)
[related_posts_by_tax posts_per_page="4" title="Bài viết cùng chủ đề"]